Xướng lễ hội đình làng của người Việt xưa

Đông – Tây xướng hô: “Hành sơ hiến lễ” thì đến lúc dâng rượu lần đầu. Tiếp theo vị Nội tán hô: “Nghệ tửu tương sở, tư tôn giả cử mịch” thì chủ tê đi lại chỗ bàn để đài rượu, khi đó vị chấp sự mở khăn che đài ra; rồi lại hô tiếp: “Chước tửu!” thì chủ tế rót rượu. Sau đó Đông – Tây xướng lại hô: “Nghệ đại vương thần vị tiền!” thì hai vị nội tán dẫn chủ tế lên chiếu nhất; rồi lại hô: “Quỳ” thì chủ tê và hai bồi tế quỳ cả xuống. Lại hô tiếp: “Tiến tước”, thì vị chấp sự dâng đài rượu đưa cho chủ tế vái một vái, rồi lại đưa cho chấp sự. Tiếp đến, Đông – Tây xướng hô: “Tiến tửu” thì các chấp sự đi ra hai bên, tay nâng cao đài rượu lên ngang ngực để dâng vào nội điện. Dâng rượu xong thì họ quay trở ra; rồi Đông – Tây xướng hô: “Hưng, bình thân, phục vị” thì chủ tế, bồi tế đều phục xuống, rồi đứng dậy, chủ tế lùi ra chiếu ngoài.

Xướng lễ hội đình làng

Sau đó, Đông – Tây xướng hô: “Độc chúc!” thì một chấp sự vào bàn trong mang văn tế ra. Khi ấy nội tán hô: “Nghệ độc chúc vị”, rồi hai nội tán dẫn chủ tế lên chiếu trên. Lại hô tiếp: “Giai quỵ” thì chủ tế, bồi tế và hai chấp sự cầm chúc và đọc chúc đều quỳ cả xuống. Khi Đông xướng hô: “Chuyển chúc” thì người cầm chúc văn đưa bản văn tế cho chủ tế, chủ tế cầm lấy vái một vái, rồi đưa cho vị đọc chúc. Khi nghe hô: “Độc chúc” lần nữa thì vị đọc chúc đọc dõng dạc nội dung từ đầu đến cuối bài văn tế lên. Trong văn tế, trước hết nói về niên hiệu, ngày tháng; sau đến tỉnh, phủ, huyện, làng xã; rồi liệt kê đầy đủ tên các vị tiên thứ chỉ, chức sắc, kỳ mục và các vị lão hạng trong làng xã, đến mục kính dâng lễ vật cáo với thần vị nào, thì kể hết duệ hiệu và những mĩ tự do nhà vua phong tặng cho thần Thành hoàng làng và các vị chư thần. Đọc xong, chủ tế lạy hai lạy rồi lui ra chiếu ngoài. Tiếp theo là việc tế dâng hai lần rượu nữa, cũng tiến hành đủ các nghi lễ như lần đầu dâng rượu (gọi là “Hành sơ hiến tế”). Tuần dâng rượu lần thứ hai gọi là “Á hiến tể” còn tuần dâng rượu lần thứ ba gọi là “Chung hiến tế; và cách xướng lễ cũng hoàn toàn giống như lần đầu tiên vậy. Sau ba tuần dâng rượu thì Đông – Tây xướng hô: “Âm phúc”, khi đó có hai chấp sự vào nội điện bưng một chén rượu và một khay trầu ra; chờ người xướng lễ hô: “Nghệ ẩm phúc vị” thì chủ tế quay ra bước lên chiếu thứ hai; lại hô: “Quỳ” thì chủ tế quỳ xuống, rồi hai chấp sự đưa chén rượu, khay trầu cho chủ tế. Khi đó, người xướng lễ hô: “Ấm phúc” thì chủ tế bưng lấy chén rượu vái một vái, rồi uống hết liền một hơi; Lại xướng tiếp: “Thụ tộ” thì chủ tế cầm khay trầu vái một vái, rồi mới ăn một miếng trầu. Việc này có nghĩa là thần ban phúc lộc cho thì phải thụ hưởng ngay, để tở lòng kính trọng thần linh. Sau đó, chủ tế lễ hai lễ rồi đứng dậy lui ra chiếu ngoài. Khi đó, Đông – Tây xướng hô: “Tạ lễ cúc cung bái” thì chủ tế, bồi tế cùng lạy tạ bốn lạy; rồi lại hô: “Phần chúc” thì người đọc chúc đem bản văn tế đi hoá (đốt). Đến khi người xướng lễ hô: “Lễ tất” là cuộc tế lễ đã xong, thì các vị trong ban tế lui ra ngoài nghỉ ngơi. Trong khi tế lễ, những lần dâng rượu, lúc phần chúc thì ban nhạc bát âm đều tấu nhạc lễ. Đến khi cuộc tế lễ vừa kết thúc thì dân làng theo thứ tự vào lễ, phường đồng văn vẫn tiếp tục đánh trống tê phục vụ trong cung.