Đình Tây Đằng ở xứ Đoài xưa (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội), được xây dựng vào khoảng năm 1583 (căn cứ vào dòng chữ khắc trên một đầu khung cột đình: “Quý Mùi niên tạo”; dịch là “làm năm Quý Mùi”), nay vẫn giữ nguyên kiến trúc kiểu chữ Nhất của đình làng thế kỷ XVI, chỉ có duy nhất một toà đại đình. Do vậy, đình là một ngôi nhà lớn hình chữ nhật, và ở hai bên phía trước đình có hai nhà tả mạc và hữu mạc. Đình làm theo kiểu chữ Nhât là một nếp nhà rộng lớn 3 gian 2 chái, với 48 cột lớn nhở (gồm: 8 hàng ngang và 6 hàng dọc), có hàng hiên bao quanh, nhưng không có tường che bao bọc, nên không gian của đình rất thoáng đãng và sáng sủa. Trên mái đình lợp ngói ta, các đầu đao đều uốn cong, trên có gắn tứ linh (gồm Long, Ly, Quy, Phượng) làm bằng đất nung già. Ngôi đình này được làm theo kiểu chồng giường của kiến trúc dân gian cổ truyền. Trên những bức côn và các ván nong, với các mảng trang trí có chạm khắc rồng bay, phượng múa, nhiều muông thú, hoa lá rất độc đáo và mô tả những cảnh lao động vui chơi của người xưa rất sinh động. Tại đình Tây Đằng, ở gian giữa để một bàn thờ lớn thờ Tản Viên Sơn thần làm Thành hoàng làng, với đủ bộ đồ thờ cúng sơn son thếp vàng, được trang hoàng lộng lẫy và uy nghi trong những dịp làng tổ chức lễ hội.
Ngôi đình làng Thổ Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang), cũng có nhiều dấu ấn của kiến trúc đình thế kỷ XVI, đầu tiên đình chỉ có một toà đại đình theo cấu trúc hình chữ Nhất. Tuy nhiên, đình Thổ Hà đã được đại trùng tu vào năm Chính Hoà thứ 13, đòi Lê Hy Tông (1692), nên đã mở rộng cấu trúc đình theo kiểu chữ Công, xây dựng trên mặt bằng diện tích là 500m2, gồm các đơn nguyên: nhà Tiền tế có 3 gian chính và 2 gian phụ (kiểu 3 gian, 2 chái); đến toà Bái đường có 7 gian (kiểu 5 gian, 2 chái); qua hai Ống muông đến toà Hậu cung có 3 gian, tạo nên kết cấu hình chữ Công.
Đến thế kỷ XVII, phần lớn các ngôi đình làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ đều được xây dựng mở rộng hơn trước. Toà Đại đình ở thế kỷ XVI chỉ có bốn hàng cột thì toà Đại đình từ thê kỷ XVII về sau đã có thêm hai hàng cột hiên tạo thành sáu hàng cột. Do vậy, người ta phải làm kẻ hiên để liên kết giữa cột quân với cột hiên thật vững chắc, để nâng đỡ toàn bộ phần mái hiên rất đồ sộ của một ngôi đình. Vì thế, kẻ hiên cần được làm bằng một thanh gỗ dài chắc chắn, nối liền hàng cột bằng mộng.
Đến thế kỷ XVII, phần lớn các ngôi đình làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ đều được xây dựng mở rộng hơn trước. Toà Đại đình ở thế kỷ XVI chỉ có bốn hàng cột thì toà Đại đình từ thê kỷ XVII về sau đã có thêm hai hàng cột hiên tạo thành sáu hàng cột. Do vậy, người ta phải làm kẻ hiên để liên kết giữa cột quân với cột hiên thật vững chắc, để nâng đỡ toàn bộ phần mái hiên rất đồ sộ của một ngôi đình. Vì thế, kẻ hiên cần được làm bằng một thanh gỗ dài chắc chắn, nối liền hàng cột bằng mộng.