Nếu làng nào quá lớn có nhiều thôn thì mỗi thôn lại có một ngôi đình riêng song vẫn thờ chung vị thần Thành hoàng làng và khi tổ chức lễ hội cùng vào chung một dịp theo tục lệ cổ truyền, vào hôm mở hội có đám rước thần từ đình các thôn về đình thôn gốc, rồi tổ chức tế lễ linh đình, sau đó đến hôm đóng hội thì lại rước thần vị về đình thôn mình như cũ. Những người nông dân cổ truyền sinh sống lâu đời ở làng quê đất Việt, nên họ đã dành cho đình làng toàn bộ tình cảm cao đẹp nhất; và họ không tiếc công sức, đóng góp tiền của để xây dựng ngôi đình – “ngôi nhà chung” của cả cộng đồng thành một công trình kiến trúc to đẹp nhất của làng mình. Mặt khác, họ ý thức được rằng, ngôi đình làng không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh về văn hoá vật chất (kinh tế), mà còn biểu tượng cho sức mạnh tinh thần hay văn hoá tín ngưỡng tâm linh của làng mình trước các làng khác và bàn dân thiên hạ. Vì vậy, vị trí của ngôi đình làng trong hình ảnh của các làng quê cổ truyền như câu ca: “Cây đa, bến nước, sân đình” đã phản ánh đúng một thực tế sinh động đã diễn ra ở nông thôn nước ta từ nhiều thế kỷ trước.
Việc chọn đất để làm đình được dán gian rất coi trọng và phải được tuân thủ theo quan niệm phong thuỷ trong tín ngưỡng dân gian cổ truyền. Cũng giống như các di tích kiến trúc cổ như đền chùa, miếu điện khác, đình làng thường được chọn thế đất cao ráo, ở phía sau hoặc hai bên cần có chỗ đất cao hơn hẳn làm “tay ngai”, và ở phía mặt trước đình phải có nước (như ao hồ hoặc sông uốn lượn chảy qua). Đó là thế đất “tụ thuỷ” (tức là có nước tụ hội), và khi đã có thế đất “tụ thuỷ” thì cũng đồng nghĩa với “tụ linh, tụ phúc”, có nghĩa là hội tụ tất cả những điều may mắn, tốt lành. Chính vì lẽ ấy, mà người ta đã xây dựng nhiều đình làng hướng quay mặt ra sông, hay ở những chỗ uốn khúc của con sông chảy qua làng. Hoặc ở nhiều nơi không có sông hồ chảy qua thì người ta tạo thế đất “tụ thuỷ” bằng cách đào ao hay giếng lớn trước cửa đình, rồi thả sen xuống tạo cảnh quan vẻ đẹp cho ngôi đình làng.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục là gì