Kiến trúc đình, miếu thời cổ

        Căn cứ vào các nguồn thư tịch cổ, sử sách và tài liệu đã công bố thì, các ngôi đền miếu đã xuất hiện đầu tiên trong các làng xã nông nghiệp cổ truyền của người Việt vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, để tôn thờ các vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, và họ đã hoá thân vào hào khí anh linh của đất trời, sống núi Việt Nam, để trở thành các vị thần thánh anh linh.

         Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhiều ngôi đền được nhân dân ta xây dựng rất hoành tráng để tôn vinh những vị vua khai sáng, cùng các vị anh hùng dân tộc như: đền thờ các vua Hùng, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ vua Đinh, vua Lê, đền Lý Bát Đế, đền thờ nhà Trần, đền thờ Thánh Gióng, đền thờ Chử Đồng Tử, đền thờ Tản Viên, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Lê Lợi, đền thờ Quang Trung, v.v… về quy mô kiến trúc của ngôi đền tại phần lớn các làng xã ở nước ta tuy không lớn bằng đình làng, song cũng có nhiều ngôi đền có kiến trúc lớn hơn đình làng nhiều lần để thờ các vị vua hoặc anh hùng lịch sử, danh nhân văn hoá dân tộc như đã kể trên; các ngôi đền lớn thường được xây dựng trong khu vực địa giới của làng, nhưng thường ở nơi cao ráo, rộng rãi và thoáng mát cách xa khu dân cư và trung tâm của làng xã (có nơi còn xây đền thờ trên núi cao như đền Hùng).

Kiến trúc đình

          Nhìn chung, kiến trúc đền cũng giống như kiến trúc đình làng, được thiết kế theo kiểu chữ Đinh. Tuy nhiên, phần hậu cung của ngôi đền có thể lớn hơn hậu cung của đình làng (như đền Đa Hoà thờ Chử Đồng Tử, đền thờ Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân, Hà Nội; đền thờ Mẫu Liễu ở Phủ Dầy, đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Nguyễn Huệ ở Bình Định, điệnHòn Chén ở Huế, miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc, An Giang, v.v…), điều này còn tuỳ thuộc vào uy danh của đối tượng thần linh tôn thờ tại ngôi đền đó, cùng với điều kiện kinh tế của người dân địa phương. Các công trình kiến trúc phụ của một ngôi đền cũng nhiều hơn đình làng nên làm cho quy mô và không gian của đền được rộng mở hơn. Nhìn chung, những ngôi đền lớn được thiết kế theo kiểu kiến trúc cung điện của vua chúa phong kiến xưa kia (như đền Đa Hoà thờ Chử Đồng Tử ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên; hoặc đền thờ Mẫu Liễu ở Phủ Dầy, Nam Định; hoặc điện Hòn Chén thờ Thánh Mẫu Thiên Yana ở Huế; hoặc miếu Bà Chúa Xứ ở Núi Sam, Châu Đốc, An Giang, v.v…), nhưng theo quy mô nhở hẹp hơn nhiều so với cung điện của vua chúa phong kiến.

         Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt bằng tổng thể kiến trúc chung của một ngôi đền thì gồm các đơn nguyên kiến trúc như sau: đi từ ngoài vào ta thấy cổng Tam quan cao lớn uy nghi, đến sân rộng lát gạch Bát Tràng. Có nhiều đền cũng được xây dựng ở vị trí đắc địa hay nơi tụ thuỷ, hoặc tụ phúc (có nghĩa là trước cửa đền thường có ao hồ, hoặc một cái giếng lớn) theo triết lí dân gian; tại nơi tiếp giáp với hè hiên của đền có đặt một hương án trên bày đủ đồ thờ (Tam sự hay Ngũ sự). Đền Việt Nam phần lớn đều có cấu trúc hình chữ Đinh, gồm một nếp nhà ngang 5 gian (kiểu 3 gian 2 chái), nối chuôi vồ làm hậu cung.

         Cách bài trí bên trong nội thất của ngôi đền cũng tương tự như ở đình làng, song với tên gọi và chức năng cụ thể có khác như: ngoài cùng khi bước qua cửa vào là nhà Tiền đường có đặt một bàn thờ lớn trên cũng bày biện đủ đồ vật thờ cúng Ngũ sự, qua cửa võng là đến ban thờ ở Trung đường, rồi đến hậu cung nơi thờ vị thần chủ của ngôi đền, cùng các vị chư thần khác. Ngoài ra, trong đền còn treo nhiều bức đại tự và câu đối bằng chữ Hán ca ngợi công đức của vị thần linh được tôn thờ; ở xung quanh đền người ta cũng trồng các loại cây cổ thụ như: cây đa, cây si, cây ngọc lan, hoặc một vài cây đại, cây gạo.


Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục tập quán là gì