Đền Thượng và lăng tổ

         Đền Thượng cũng giống như các ngôi đền khác trên núi Nghĩa Lĩnh còn dấu vết được xây dựng từ thời An Dương Vương, với hai cột đá thề. Trải qua nhiều thời đại lịch sử, đền Thượng cũng được sửa chữa, trùng tu và xây dựng lại nhiều lần, vì sự phong hoá của thời gian và sự tàn phá của các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù ngoại bang. Đền Thượng còn được gọi là “Kính Thiên Lĩnh điện”, có nghĩa là điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh.

         Tục truyền đây là nơi cấm địa, cách đây hơn 100 năm người ta vẫn thấy hạt lúa thờ bằng đá ở đền Thượng (hạt lúa bằng đá này cao hơn 60cm). Cũng giống như đền Hạ và đền Trung, đền Thượng bị giặc Minh phá huỷ. Ngôi đền hiện nay được xây dựng vào thời Lê Trung hưng, cách đây gần 400 năm. Trong dịp đại trùng tu năm 1914-1922, nhà Nguyễn xuất tiền của kho nhà nước và cử quan về giám sát việc xây dựng lại đền Thượng vào năm Khải Định nhị niên (Khải Định năm thứ 2).

Đền Thượng

           Việc thờ tự ở đền Thượng cũng giống như đền Hạ và đền Trung, đó là thờ các vị thần Núi và các vua Hùng cùng hai người con gái của vua Hùng thứ 18. Tục truyền rằng, ở thời Hùng Vương các vua Hùng thường cùng các vị tướng lĩnh hay tổ chức tế Trời trên đĩnh núi Nghĩa Lĩnh, để cầu khấn Trời phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no hạnh phúc. Cũng tại đây, vua Hùng thứ 6 đã lập bàn thờ Thánh Gióng để tưởng niệm người anh hùng làng Phù Đổng, cùng với sự tích Thục Phán dựng hai cột đá thề, khi được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho và hứa tiếp tục sự nghiệp của các vua Hùng. Theo tục lệ cổ truyền, đền Thượng do dân làng Cổ Tích trông nom, bảo quản và thờ tự các vua Hùng từ thế kỷ XVII đến nay.

         Lăng Tổ – Hùng Vương lăng: Trước thế kỷ XIX ở gần đền Thượng trên đĩnh núi Nghĩa Lĩnh vẫn có một ngôi mộ bằng đất khá lớn, mà dân gian cho đó là phần mộ của vua Hùng thứ 6. Đến năm 1874 người ta xây dựng ngôi mộ này lên thành lăng Tổ với kiểu dáng như hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục là gì