Các nghi lễ phồn thực trong lễ hội

      Phần lớn các nghi lễ phồn thực được tiến hành ở nhiều lễ hội đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ bị chuyển hoá thành các nghi lễ mang tính “hèm” (có nghĩa là vừa bí mật, lại vừa công khai; và vừa “linh thiêng”, lại vừa “phàm tục”), đã làm tăng thêm sự hấp dẫn, mang tính tự nhiên cổ sơ của lễ hội đình làng. Chẳng hạn như: trong lễ hội đình làng Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ), trước đây vẫn duy trì tục cướp kén. Người ta chuẩn bị 36 bộ “kén”- tức 36 cặp hình sinh thực khí nam làm bằng gỗ và hình sinh thực khí nữ làm bằng mo cau. Đến ngày hội làng, sau khi tê lễ xong thì người ta tung 36 bộ “kén” này ra để cho dân làng cướp; và họ tin rằng ai cướp được “kén” thì năm đó sẽ được nhiều may mắn, sinh con đẻ cái đề huề, và mùa màng được bội thu, no ấm. Hoặc ở lễ hội làng Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ) có nghi lễ trò “Trám”, diễn ra vào lúc nửa đêm tại miếu Trò. Sau khi cụ từ và chủ tế khấn vái thần linh xong lui ra ngoài,thì một đôi nam nữ bước vào chiếu trong hậu cung, chàng trai cầm cái dùi gỗ đẽo hình sinh thực khí nam sơn đở; còn cô gái cầm chiếc mo cau có vẽ hình sinh thực khí nữ. Hai người đứng đối diện nhau mà múa, rồi cho hai sinh thực khí này chạm vào nhau, mô phởng hành động tính giao. 

Các nghi lễ phồn thực

Dân làng tin rằng, làm như vậy trước sự chứng dám của thần linh thì mùa màng sẽ tươi tốt và nhân khang, vật thịnh. Hoặc trong lễ hội làng Hy Cương (Việt Trì, Phú Thọ), có nghi lễ “rước chúa gái” được thể hiện bằng điệu múa “tùng dí”, các cặp đôi nam nữ tay cầm sinh thực khí, khi có tiếng trống “tùng” vang lên thì họ làm động tác “dí” hai sinh thực khí vào nhau, tượng trưng cho hành động tính giao. Đó chính là một dạng thức nghi lễ cầu mùa, cầu sinh sối nảy nở. Hoặc tục “múa mo” ở lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) và lễ hội làng Việt Tiến (Việt Yên, Bắc Giang). Trong đó, mo cau là vật tượng trưng cho sinh thực khí của nữ. Sau khi múa xong thì các mo cau tượng trưng cho sinh thực khí nữ và những khúc tre tượng trưng cho sinh thực khí của nam cũng được tung ra cho mọi người cướp lấy may… Ngoài ra, tín ngưỡng phồn thực còn được thể hiện à một số trò chơi dân gian trong dịp hội làng như: trò “chen” ở lễ hội làng Ngà (Quế Võ, Bắc Ninh); trò “bắt chạch trong chum” trong hội làng Văn Trưng (tên Nôm là Kẻ Dưng), xã Thượng Trưng (Vĩnh Lạc, Vinh Phúc); hoặc tục “tắt đèn” ở giữa cuộc lễ để cho nam nữ tự do tính giao, mà ta còn thấy xuất hiện trong nhiều lễ hội làng khác, như: ở lễ hội làng La Khê (nay thuộc về Hà Nội), hoặc trong các lễ hội làng: Ngô Xá, Đan nhiễm, Niệm Thượng (ở Bắc Ninh),…



Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục tập quán của người việt nam