Tục thờ cúng các vị thần trong tín ngưỡng nguyên thủy

      Tục thờ cúng các vị thần Núi, thần Đá, thần Cây trong tín ngưỡng nguyên thuỷ và tục thờ “Nõ – Nường” của tín ngưỡng phồn thực, cùng với nhiều trò tục của tín ngưỡng phồn thực vẫn còn tàn dư và tồn tại lâu bền tại nhiều làng xã của người Việt ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ đến tận ngày nay, cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá cổ truyền thuộc về bản sắc văn hoá nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Trong quá trình khai canh lấn biển của các làng ven biển ở Bắc Bộ, đã xuất hiện tục thờ các vị có công khai canh lấn biển, lập nên các làng xã cũng được tôn làm thần Thành hoàng thờ tại đình làng. Nhất là các làng Việt ở miền Trung và miền Nam đều có tục tôn thờ các vị “Khai canh, khai khẩn”, mà dân gian vẫn quen gọi là “Tiền hiền”, và “Hậu hiền”. Tiền hiền là những người đến trước khai phá đất đai và dựng làng ở vùng đất mói (các vị này đều là những ông tổ các dòng họ đến khi mới lập làng); Còn Hậu hiền là những người đến sau tiếp tục công việc khai khẩn và mở mang làng xóm. Tại các làng xã ở miền Trung, dân làng thờ các vị Tiền hiền và Hậu hiền ngay trong đình hoặc ở các miếu, gọi là miếu khai canh khai khẩn, đến khi tế lễ thì tổ chức đám rước bài vị của họ về đình làng.

Tục thờ cúng các vị thần

 Trong khi đó, ở các đình làng tại Nam Bộ thường có bàn thờ Tiền hiền và Hậu hiền ngay tại chính điện hoặc trong nhà Hậu của đình làng. Ngoài ra còn có nhiều làng chài ven biển thờ cá voi, mà tục gọi là “Cá Ông”, với tín tưởng cầu mong vị thần này phù hộ và cứu giúp ngư dân khi đi đánh bắt cá xa bò ngoài biển khơi gặp nhiều may mắn. Nhiều làng làm nghề thủ công thì có tục thờ tổ nghề làm thần Thành hoàng làng, để tế lễ tri ân và cầu Ngài phù giúp cho nghề của làng mình phát đạt, dân chúng được no ấm. Một điều khá thú vị nữa là, trong rất nhiều đình làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ còn lập bàn thờ để thờ các vị “Hậu thần”. Theo các bản hương ước cổ, hoặc các bia hậu ở nhiều làng thì Hậu thần là những người có công lao và nhiều tiền của đóng góp về một việc gì đó hệ trọng của làng xã, thì sau khi họ qua đời được dân làng cúng giỗ đầy đủ, theo nghi thức trang trọng tại đình làng.
      Như vậy, phần nào cho ta thấy hệ thống thần Thành hoàng làng ở nước ta là một hệ thống tín ngưỡng dân gian đa thần. Đó là một hệ thống hỗn dung phức hợp nhiều yếu tố tín ngưỡng sơ khai của cư dân nông nghiệp cổ (như tín ngưỡng thờ Nữ thần, tục thờ Mẹ (thờ Mẫu thần), tín ngưỡng phồn thực và tục thờ các vị thần tự nhiên…), với các yếu tố chủ đạo của tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị anh hùng lịch sử, các danh nhân văn hoá và các vị tổ sư bách nghệ, và có sự ảnh hưởng ít nhiều của Đạo giáo và đạo Phật, cùng vởi sự chi phối và quản lí của các triều đại phong kiến Nho giáo, đã tạo thành một hệ thống thần linh thống nhất chung cho cả nước. Hệ thống tín ngưỡng Thành hoàng làng này đã phản ánh khá đầy đủ và chân thực về sức mạnh của sự cố kết cộng đồng tại các làng xã và đời sống văn hoá tinh thần phong phú của người dân đất Việt từ bao đời nay trong xã hội nông nghiệp cổ truyền.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục là gì