Giới thiệu về chùa chiền Việt Cổ

      Theo chúng tôi có thể cho rằng, chùa là một ngôi nhà lớn làm theo kiến trúc dân gian truyền thống, kết hợp với kiểu dáng kiến trúc của Phật giáo có mặt ở khắp các làng xã của người Việt từ khá sớm. Cũng giống như ngôi đền và ngôi đình, ngôi chùa có hai chức năng sử dụng chính là chức năng tôn giáo – tín ngưỡng dân gian (hay còn gọi là Phật giáo dân gian – dân tộc), và Văn hoá lễ hội dân gian. Từ khi Phật giáo của Ấn Độ du nhập vào nước ta ở những năm đầu Công nguyên, và chỉ sau một thời gian không lâu chùa chiền mọc lên ở khắp các làng xã cổ truyền của người Việt vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

        Tuy nhiên, về quy mô kiến trúc của ngôi chùa ở trong giai đoạn này vẫn còn đơn sơ nhở bé, được làm bằng các loại nguyên vật liệu sẵn có ở nước ta, như tranh tre, nứa lá… Có lẽ khi ấy, nơi thờ đức Phật vẫn còn sơ sài chỉ là những cái am nhở mà thôi. Đến thế kỷ VI, thì Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) đã nhanh chóng trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước ta và khu vực Đông Nam Á, nhiều ngôi chùa có quy mô khá bề thế đã được xây dựng trong thời kỳ này, để cho các nhà sư trong nước và nước ngoài đến tầm sư học đạo.

Giới thiệu về chùa chiền Việt Cổ

        Đến thời kỳ Đại Việt, dưới các triều đại phong kiến từ Đinh – Lê, đến Lý – Trần, Phật giáo được chính quyền phong kiến trọng dụng và trở thành quốc giáo, nhiều ngôi chùa lớn được xây dựng với quy mô hoành tráng ở Kinh thành Thăng Long và các vùng lân cận, nhất là ở dưới triều đại nhà Lý. Trong sử sách còn ghi, ở Bắc Bộ nước ta, chỉ riêng năm 1031, nhà Lý đã phát tiền kho làm chùa quán ở 950 nơi. Chỉ riêng bà Ỷ Lan trước sau đã dựng 100 ngôi chùa. Trong số” đó nhiều ngôi chùa to đẹp nổi tiếng vẫn còn đến ngày nay.

        Từ những ngôi chùa đầu tiên chỉ thờ riêng Đức Phật, sau đó đạo Phật đã bị dân gian hoá và phong tục hoá, nên trong chùa có điện thờ Phật, cùng với điện thờ Thánh, là các vị sư tổ – người Việt bản xứ tu hành đắc đạo, sau khi mất họ được dân chúng suy tôn thành Phật Tổ, Phật Mẫu, hoặc Phật Bà như: Phật Mẫu Man Nương, Phật Bà Ỷ Lan, hoặc thiền sư Từ Đạo Hạnh, thiền sư Không Lộ, v.v… Do chức năng tôn giáo lưỡng hợp và hỗn dung của ngôi chùa, dẫn đến chức năng văn hoá của ngôi chùa cũng hỗn dung nhiều yếu tố căn bản của văn hoá dân gian, mà lễ hội chùa là sự thể hiện khá độc đáo theo mô hình của lễ hội dân gian truyền thông, với nội dung hết sức đa dạng và phong phú, mang đậm đà của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục là gì