Theo quan niệm của Nho giáo thì vua là Thiên tử (con Trời), thay mặt Trời (Thượng đế) làm chủ bách thần ở chốn nhân gian. Dưới triều Lê, nhà nước phong kiến còn cho làm cuốn Điển lễ (viết về việc thờ tự) để dùng thống nhất cho tất cả các làng xã trong cả nước. Kể từ đây, triều đình nhà Lê đã thể chế hoá việc thờ tự các vị thần linh của quốc gia Đại Việt tại các di tích kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cổ truyền (gồm các đền miếu, đình chùa) ở khắp các làng xã trong cả nước, và thể chế hoá hệ thống các nghi thức và nghi lễ cúng tế, rước xách các vị thần linh trong toàn bộ hệ thống lễ hội cổ truyền ở nước ta theo một quy chế có bài bản thống nhất chung. Mặt khác, vào năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572) triều đình nhà Lê đã giao trọng trách biên soạn tất cả các bản Thần phả của các vị thần linh đất Việt đã được nhà vua phong sắc cho Bộ Lễ, do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính chủ trì việc biên soạn Thần phả của tất cả các vị chính thần ở khắp các làng xã trong cả nước. Trong đó, có rất nhiều vị thần Thành hoàng làng cũng được quan lại triều đình soạn thảo Thần phả trong giai đoạn này. Kể từ đó, các vị quan khác trong Bộ Lễ tiếp tục công việc soạn thảo các bản Thần phả cho các vị thần linh mối được nhà vua phong sắc, hoặc làm nhiệm vụ sao chép lại các bản Thần phả cũ đã bị mục nát, để thay thế và lưu trữ lâu dài về sau.
Trong các sinh hoạt văn hoá dân gian nói chung, trong lễ hội cổ truyền nói riêng, những nhà Nho bình dân sống tại các làng xã đóng vai trò rất quan trọng. Vì họ là những người hiểu biết ít nhiều về đạo Nho, biết đọc và viết chữ Nho (tức chữ Hán). Hơn nữa, họ lại có vốn hiểu biết khá tường tận về lịch sử – văn hoá, về các danh nhân của địa phương, nơi họ sinh ra và lớn lên. Nhờ vậy, họ đã tham gia trực tiếp vào việc biên soạn hương ước (hay khoán ước), lệ làng, thần phả, ngọc phả, tộc phả, gia phả, hoặc viết câu đối, văn bia và văn tế… Ngoài ra, họ còn tham gia tích cực vào việc sáng tác văn hoá, văn nghệ dân gian như: các bài hát dân ca, các bản dân nhạc và các điệu dân vũ; Họ còn hướng dẫn cho dân chúng lễ nghi của Nho giáo theo điển lễ trong các dịp tế lễ và hội hè ở quê hương mình, cũng như cung cách bài trí, thờ tự theo điển lễ của nhà nước phong kiến đã quy định. Tầng lớp Nho sĩ bình dân này còn được dân làng nhờ cậy khi trong nhà có việc tang lễ, cưới xin, khao vọng hay lên lão (gọi chung là những việc hiếu và việc hỷ). Họ đã góp phần quan trọng để đẩy nhanh tốc độ dân gian hoá và phong tục hoá Nho giáo tại các làng xã ở nông thôn nước ta thòi phong kiến Đại Việt và thòi nhà Nguyễn sau này. Thực tế đó đã chứng tỏ các nhà Nho bình dân giữ vai trò làm chiếc cầu nối liền giữa Nho giáo chính thông với Nho giáo “bình dân”. Mặt khác, do ảnh hưởng của giới Nho học trong nước rất mạnh mẽ đã khiến cho nhà nước phong kiến Đại Việt chủ động nâng việc tế lễ một số vị thần linh tiêu biểu của các làng xã lên thành quốc lễ, để nêu cao ý thức tự lập tự cường của dân tộc ta trước nạn ngoại xâm, như lễ hội làng Phù Đổng thờ Thánh Gióng ở thòi nhà Lý và các lễ hội đền Hùng tôn vinh các vua Hùng có công dựng nước, lễ hội Trường Yên thờ vua Đinh, vua Lê… dưới thời Hậu Lê và thòi Nguyễn sau này.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: các phong tục tập quán của người
việt nam