Tục thờ thần linh đặc trưng ở một số vùng

       Có một số vị thần Núi (nhỏ) khác ở các địa phương và các vị thần Đá cũng được thờ tại một số làng, như thần Bạch Thạch (Đá Trắng) thờ ở Phù Ninh (Phú Thọ), và ở Nghi Lộc (Nghệ An); hay thần Thạch Khanh (Ông Đá) cũng được thờ ở Bạch Hạc (Phú Thọ) và ở nhiều nơi khác. Tại vùng châu thổ Bắc Bộ, ở vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, vùng đầm lầy và vùng ven biển của các tỉnh Thái Bình và Nam Định…, thì vị Thuỷ thần được thờ làm thần Thành hoàng của khá nhiều làng, như: thần Long Vương (vua Rồng), thần Đông Hải Long vương, hoặc Nam Hải Đại vương, Sát Hải Đại vương (là các vị nam Thuỷ thần), và có một vị nữ Thuỷ thần là Ngọc Thuỷ Tinh Công chúa cũng được một số làng ở đây tôn thờ làm thần Thành hoàng làng. Ngoài ra, còn có các vị thần liên quan đến Thuỷ thần là hai vị thần Cá và thần Rắn, cũng được nhiều làng ở khu vực này tôn thờ làm thần Thành hoàng làng như: Thành hoàng xã Phù Sa (Hưng Yên), được phong là “Đương cảnh Thành hoàng Đức Vua Rí cửa cống” vốn là một con cá chép. Còn thần Rắn cũng là một loại thần quan trọng của người Việt, được thờ ở khá nhiều làng vùng châu thổ sống Hồng như vị thần Rắn nổi tiếng nhất là thần Linh Lang được thờ ở đền Voi Phục và ở nhiều làng khác ở xứ Đoài và xứ Nam (nay là Hà Nội và Nam Định)… 

Tục thờ thần linh

Tuy nhiên, “…trường hợp Rắn thần Linh Lang này không phải là môtíp phô biến của thần Rắn. Môtíp phổ biến là phải sinh ra bọc hai, ba trứng nở ra hai, ba con trai. Đó là đặc điểm thứ nhất. Đặc điểm thứ hai là thường người mẹ bị rắn, rồng, giao long, thuồng luồng quấn phủ mới mang thai”. Đây là hiện tượng văn hoá tín ngưỡng khá li kỳ được nhiều làng xã thờ thần Rắn, dân gian đã viết thần tích theo môtíp vừa nêu.
      Ngoài ra còn một số làng khác ở vùng châu thổ Bắc Bộ vốn có tục tôn thờ thần Cây làm thần Thành hoàng như thôn cẩm La, xã La Chàng (huyện Ân Thi, Hưng Yên). Ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ còn có nhiều làng xã tôn thờ các bộ phận sinh thực khí của nam và nữ, thành các vị “Dâm thần”, nằm trong loại hình tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp cổ của nước ta. Và các vị Dâm thần này cũng được dân gian tôn vinh làm thần Thành hoàng làng, song dưới áp lực của Nho giáo chính thống thì được dân gian gọi chệch đi là “Nõ – Nường” hay “ông Đùng, bà Đà”…