Hiện nay ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ vẫn bảo lưu được nhiều ngôi đình cổ kính như: đình Hoè Thị, đình Vẽ, đình Chèm, đình Phú Mỹ và đình Thượng Cát (thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội); đình Tây Đằng, đình Liên Hiệp, đình Hoàng Xá (Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội); đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà, Bắc Giang), đình Phù Lưu, đình Đình Bảng, đình Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh); đình Kiều Bái (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng); đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc), đình Lâu Thượng (Việt Trì, Phú Thọ), v.v… Cách bài trí hay cách bày biện đồ thờ cúng bên trong của ngôi đình làng, cũng theo một mô thức chung, thường là: ở gian giữa (hay còn gọi là Trung đình) có treo các bức hoành phi câu đối bằng chữ Nho (chữ Hán), có chạm trổ hình rồng hoặc tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), được sơn son thếp vàng. Phía trên bàn thờ có bày bộ đồ bát bửu (gồm 8 thứ đồ vật quý như: bút lông, quyển sách, quạt, lẵng hoa, đàn sáo, gươm, bầu rượu, và túi thơ). Ở giữa cửa võng của đình có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu nguyệt), lục long ngự thiên (sáu con rồng bay lên trời), ngũ phượng hàm thư (năm con phượng hoàng mở cặp lá thư). Phía trong Hậu cung là điện thờ thần linh (còn gọi là đình thần) có đặt một chiếc bàn thờ lớn, trên để chiếc ngai thờ thần Thành hoàng có chạm hai con rồng đặt trên một cái sạp nhỏ, và trên sạp này đặt long vị hình chữ nhật tượng trưng cho thần nên được gọi là thần vị, mô phởng theo dáng người ngồi và có ghi tên hiệu của thần. Đằng trước long vị đặt một chiếc gương nhở trông giống hình cái hốt mà các quan thường dùng khi vào chầu vua để che mặt, sợ phạm thượng; phía ngoài để cái lư hương lớn bằng đồng. Phía trước ngai có đặt một chiếc hòm để đựng sắc phong thần (mỗi sắc phong lại để trong ống sơn đở) rất cẩn trọng. Trước bàn thờ thần có hương án bày đồ tam sự hay ngũ sự và ngoài là cửa võng được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng, có đặt hai con hạc đồng (hoặc bằng gỗ) chầu hai bên bàn thờ.
Nếu trên hương án bày bộ tam sự, gồm có lư hương và hai cái chân để đèn (nến), bộ ngũ sự có thêm hai ống cắm hương. Phía trong để chiếc lọ độc bình, giữa để chiếc khay và ba cái đài: đài giữa để chén rượu thờ, một bên để cái bát con đựng nước thờ, một bên đặt khay trầu cau. Phía sau cùng để chiếc kỷ “tam sơn” (ba ngọn núi). Trước kỷ này có chiếc đài thấp hơn để giũa là lư hương trầm, một bên để trầu cau, bên kia để rượu. Trong đình thần trước ngai còn để một cái giá đặt ba ngọn gươm dài cán mà dân gian gọi là gươm vía hay gươm cẩn. Nếu thần là quan võ thì ở hai bên tả hữu có bày hai con ngựa gỗ sơn hồng hoặc trắng, chân có bánh xe (di chuyển được khi rước). Ngoài ra còn có nhiều tàn lọng và lỗ bộ làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm nơi điện thờ.