Từ khi ngôi đình làng ra đời (cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI), đã nhanh chóng trở thành tụ điểm diễn ra các hoạt động văn hoá dân gian của dân làng trong xã hội cổ truyền. Tại đình làng có điện thờ thần Thành hoàng là hạt nhân tín ngưỡng tôn giáo của loại hình lễ hội dân gian này. Hầu hết các vị thần Thành hoàng làng đểu là các bậc anh hùng hào kiệt có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp dựng làng giữ nước được dân làng suy tôn làm Phúc thần, để thờ phụng và các vị thần này đều được triều đình phong kiến công nhận và được nhà vua đương thời phong sắc. Phần lớn các ngôi đình làng được xây dựng ở chỗ cao ráo ở vị trí trung tâm của mọi làng xã. Có khá nhiều làng xây dựng đình trên nền cũ của những ngôi đền miếu, nơi thờ các vị thần Thành hoàng bản thổ từ trước, khi xây dựng đình xong nó đã trở thành nơi thờ chính thức của các vị thần này. Vì thế, trong ngày lễ hội của làng thì dân làng tổ chức đám rước thần với đầy đủ cờ quạt nghi trượng từ đình đi quanh làng, hoặc ra một địa danh nổi tiếng của làng, rồi lại rước quay về đình. Còn các làng có điều kiện kinh tê khá giả, đất đai rộng rãi phong quang thì người ta xây dựng đình ở chỗ mối, có vị thế đẹp hợp với phong thuỷ, ngôi đình khi đó chỉ là nơi thờ vọng thần Thành hoàng mà thôi. Vì vậy, khi tổ chức lễ hội dân làng phải tổ chức đám rước thật linh đình, để rước thần từ miếu, hoặc am nghè (nơi thần ngự) ra đình làng hôm khai hội, rồi mới tổ chức tế lễ; và rước thần về nơi thần ngự (nghè, miếu) như cũ vào hôm đóng hội.
Trong đình làng gồm có thần điện trong hậu cung (hay nội điện) là nơi thờ Thần vị; phía ngoài là nhà đại bái chia làm ba phần. Phần giữa là Trung đình làm nơi tế lễ khi làng mở hội. Tại đây được trang hoàng rất tôn nghiêm, chính giữa trên cao có treo bức hoành phi ghi dòng chữ: “Thánh cung vạn tuế” (dịch là: “Kính chúc nhà vua muôn tuổi”), được sơn son thếp vàng. Các cụ kể lại rằng, xưa kia cứ mỗi lần nhà vua đi thị sát làng xã thì nghỉ lại qua đêm ở đó. Đây là điều chứng tở cho uy quyền của nhà vua và ngôi đình làng thờ thần Thành hoàng cũng là sự hiện diện của Nho giáo tại các làng quê. Trong xã hội phong kiến, ở chốn đình trung này đã chứng kiến nhiều cuộc hội họp của các vị chức sắc có ngôi thứ cao trong làng. Còn hai bên tả hữu là hai gian bên trong có đặt bàn thờ Thổ công, hoặc các vị Hậu thần…, phía ngoài hai gian này làm chỗ cho ban tư văn, hàng giáp ngồi khi làng mở hội. Tiếp đến có hai nhà ngang gọi là tả mạc và hữu mạc, làm nơi sửa soạn lễ vật trước khi đem dâng cúng thần linh, và còn là nơi để các vị chủ tế, bồi tế và các quan viên sửa áo mũ trước khi vào tế lễ. Phía ngoài là sân đình rộng rãi và thoáng mát thường được lát gạch Bát Tràng. Ngoài cùng là cổng Tam quan cao vời vợi và bề thế vững chắc với các cột trụ lớn và tường hoa; hai bên vách tường thường đắp nổi hình con rồng hay hổ, hoặc vẽ hình hai võ tướng cao lớn uy nghi tay cầm long đao, hoặc có nơi lại tạc đôi voi đá, v.v…
Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục tập quán của người
việt