Kiến trúc xây dựng đình làng người Việt ở Bắc Bộ

       Về kiến trúc xây dựng (hay kiểu dáng) của ngôi đình làng người Việt ở Bắc Bộ thì căn bản khá giống nhau về hình thức bên ngoài và nội thất bên trong, chúng đều được thiết kế theo một số mẫu chung, song có khác nhau về độ lớn nhỏ tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi làng, mà xây dựng cho phù hợp. Thường đình làng được làm theo hai kiểu chữ Nhất (-) và chữ Đinh (T), cũng có nơi làm đình theo kiểu chữ Tam (H), hoặc chữ Khẩu (P).       Như vậy, kiến trúc đình làng bị phụ thuộc vào không gian đất đai của làng cư trú ở mỗi vùng miền (hay địa phương), để người ta điều chỉnh kiểu dáng và quy mô kiến trúc cho phù hợp với địa thế của làng sở tại. Dẫn đến sự đa dạng về kiểu dáng của đình làng người Việt dọc từ Bắc vào Nam. Đồng thời kiểu dáng kiến trúc của đình làng còn tuỳ thuộc vào kiểu dáng kiến trúc của nhà dân dụng và đền chùa, miếu mạo ở từng địa phương và vùng miền khác nhau. Chẳng hạn như dinh làng người Việt ở Bắc Bộ có hơi khác với đình làng người Việt ở Trung Bộ và khác nhiều so với đình làng người Việt ở Nam Bộ. 

Kiến trúc xây dựng đình làng

Ngoài ra, kiểu dáng kiến trúc của đình làng người Việt nói chung còn bị chi phối, thay đổi theo thời gian của tiến trình lịch sử văn hoá nữa. Như ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ còn lưu giữ được những ngôi đình làng cổ nhất, đó là đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà, Bắc Giang) được xây dựng vào khoảng năm 1576, ban đầu đình có cấu trúc hình chữ Nhất, nền đình khi đó chỉ có một toà đại đình (đó là dấu vết kiến trúc và điêu khắc của thế kỷ XVI). Đến các thế kỷ sau, đình đã được dân làng trùng tu sửa chữa nhiều lần, làm thêm hậu cung bằng cách nối chuôi vồ vào phía sau gian giũa của đình, nên ngày nay đình Lỗ Hạnh có mặt bằng kiểu chữ Đinh. Toà Đại đình có cấu trúc hình chữ nhật: chiều dài là 23,5m, và chiều rộng là 12,5m, gồm 3 gian 2 chái. Mái đình lợp ngói ta, trên chính giữa bờ nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Toàn bộ vì kèo có bốn hàng cột chính và hai hàng cột hiên đỡ dưới các bẩy và theo kết cấu kiểu chồng giường. Các vì kèo nóc làm theo kiểu trụ đấu giá chiêng khá ngắn. Điều đáng lưu ý là trên các cột còn các lỗ mộng, dấu tích còn lại để lắp dầm làm sàn gỗ kiểu nhà sàn khi xưa. Đình làng Lỗ Hạnh thờ thần Thành hoàng là Cao Sơn Đại vương, người có công giúp vua Hùng đánh giặc, cùng với bà Chúa Tiên Oà Phượng Duy Công chúa), người đã dạy dân địa phương trồng bầu thuở trước. 



Từ khóa tìm kiếm nhiều: phong tục tập quán của người việt